CHUYÊN TỔ CHỨC TOUR THAM QUAN NHẬT BẢN

Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch No và kịch rối bunraku. Kabuki ra đời vào đầu thế kỷ 17 dưới hình thức biểu diễn tạp kỹ, sau đó trở thành một loại hình kịch nghệ được ưa chuộng nhất trong thời kỳ Edo (1603-1868).

Bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất, múa và âm nhạc, kabuki là môn nghệ thuật hết sức độc đáo và hiện được công nhận là một trong những loại hình kịch nghệ truyền thống vĩ đại của thế giới.

Người ta cho rằng sư tổ của kabuki là bà Izumo-no-okuni, nhân vật theo sử sách đứng đầu một nhóm gồm hầu hết là phụ nữ, tổ chức diễn kịch mà chủ yếu là múa và các vở hài ngắn, ở Kyoto vào năm 1603. Bà sáng tạo ra kabuki dựa trên kịch No (một loại hình kịch cổ mang mặt nạ của Nhật Bản) và Hu-ryu (hoạt động trong lễ hội phát sinh từ sự bất mãn trước những cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, có đặc trưng mạnh mẽ, hoa mỹ, nhằm quên đi sự đau khổ).

Và trong từ điển tiếng Nhật thời kỳ này, do cha cố Thiên chúa giáo người Bồ Đào Nha soạn, thấy có từ “kabuki-mono”, chỉ một nhóm người trong xã hội khi đó, có nghĩa là “người có những hành động ngoài phạm vi cho phép”. Họ luôn mặc áo đẹp và đi đầu về thời trang. Bà Okuni đã kết hợp đặc trưng của Hu-ryu với các điệu múa, vở kịch của mình, đồng thời lấy chủ đề là các kabuki-mono để tái hiện những phong cách mới mẻ của họ trên sân khấu.

Sự hấp dẫn mạnh mẽ của onna kabuki, tức “kabuki nữ” mà bà Okuni quảng bá rộng rãi, chủ yếu là nhờ các điệu múa tình tứ và những cảnh đầy gợi cảm trong các vở kịch. Vì thường xảy ra ẩu đả giữa khán giả để tranh giành các nghệ sĩ, những người đồng thời hành nghề gái điếm, năm 1629, chính quyền tướng quân Tokugawa (1603-1867) đã cấm phụ nữ xuất hiện trong các vở kịch kabuki.

Kế đó, wakashu kabuki, tức “kabuki nam diễn viên trẻ”, thành công vang dội trước khi bị cấm vào năm 1652. Chính quyền tướng quân yêu cầu các buổi biểu diễn kabuki phải được cải cách về cơ bản thì mới được tiếp tục. Nói tóm lại, kabuki phải dựa trên kyogen, một loại kịch vui được biểu diễn xen giữa các vở kịch No. Các nghệ sĩ yaro kabuki, tức “kabuki nam giới” bắt đầu thay thế các diễn viên nam trẻ, bị buộc phải cạo phần tóc mái, giống như phong tục đối với đàn ông thời đó để chứng tỏ đã đến tuổi trưởng thành. Họ cũng phải đảm bảo với chính quyền rằng trong các vở kịch không phô bày thân thể, rằng họ là những nghệ sĩ nghiêm túc và không dính líu đến mại dâm.

Năm 1664, hai nhà hát ở Osaka và Edo (nay là Tokyo) lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật kéo màn, cho phép kéo dài vở kịch bằng cách liên tục thay phông cảnh phức tạp mà không hề gây gián đoạn. Vào thời gian đó, vì chính quyền cấm diễn viên nữ, tầm quan trọng của những nghệ sĩ nam đóng vai nữ, gọi là onnagata, dần dần tăng lên.

Trong những năm đầu hình thành, những yếu tố quan trọng của các loại hình sân khấu khác, chủ yếu là kyogen, No và kịch rối bunraku, được đưa vào kabuki. Bằng cách sử dụng đối thoại, nghệ thuật diễn xuất, cũng như tính hiện thực của kyogen, kabuki phát triển từ lối biểu diễn tạp kỹ mà chủ yếu là múa và nhạc thành một hình thức nghệ thuật mới.

Sân khấu dùng cho kabuki vốn lấy mẫu từ sân khấu kịch No nhưng sau đó được sửa đổi bằng cách gắn thêm màn kéo, bỏ mái, và trở thành kiểu sân khấu hanamichi. Những lời thoại đơn giản mượn của kịch No, kyogen, kiểu kể chuyện jo-ruri, dần dần được thay thế bằng những tác phẩm viết riêng cho kabuki. Nội dung kịch kéo dài hơn, có nhiều vai diễn hơn và cách diễn xuất của các diễn viên cũng đa dạng và tinh tế hơn.

Vào đầu giai đoạn Genroku (1688-1704), kabuki đã trở thành một loại hình kịch nghệ nghiêm túc. Các vai diễn cũng như kịch bản trở nên phức tạp hơn và nghệ thuật diễn xuất được chú trọng. Trong thời kỳ này xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nhật là ông Chikamatsu Monzaemon.

Ông đã dành trọn cuộc đời mình để phát triển kabuki thành một loại hình nghệ thuật và người ta gọi ông là “Shakespeare của Nhật Bản”. Kabuki phát triển thành 3 thể loại: jidai-mono là những kịch lấy bối cảnh lịch sử với nhiều vai diễn, sewa-mono thường mô tả cuộc sống của tầng lớp thị dân, và shosagoto gồm những màn múa và diễn kịch không lời.

Sau thời kỳ hoàng kim tại khu vực Kyoto-Osaka vào cuối thế kỷ 17, sự hâm hộ dành cho kabuki giảm sút vì kịch rối bunraku thăng hoa. Maruhon-mono, hay những vở kabuki phỏng theo các vở kịch rối, được tung ra để lôi kéo những khán giả đang đổ sang các rạp bunraku. Kết cấu logic chặt chẽ và cách mô tả nhân vật một cách thực tế của bunraku có ảnh hưởng lớn đến kịch kabuki. Lối kể chuyện và sử dụng nhạc trong bunraku được áp dụng cho các vở kịch kabuki, và thậm chí những kỹ thuật sân khấu của bunraku, ví dụ như cách di chuyển độc đáo của các con rối, cũng được các nghệ sĩ kabuki bắt chước. Hiện nay, đến một nửa các vở kịch kabuki là mô phỏng các vở kịch rối bunraku.

Nhưng tiếp theo giai đoạn khuynh đảo và chiếm lĩnh các sàn diễn trong nửa đầu thế kỷ 18, bunraku sa sút nhanh chóng ở khu vực Kamigata (khu vực xung quanh Osaka) nên kabuki nắm ngay lấy cơ hội này để giành lại sự ủng hộ của tầng lớp thị dân. Một trong những tác gia lừng danh lúc đó là ông Namiki Shozo. Ông cũng chính là người sáng tạo ra sân khấu quay mawari butai.

Vào đầu thời kỳ Minh Trị xuất hiện một thể loại kabuki gọi là zangiri-mono, với những nhân vật binh sĩ mặc quân phục kiểu phương Tây và các nhân vật onnagata mặc váy đầm. Song các vở kịch này không thu hút được khán giả. Nhiều nghệ sĩ kêu gọi gìn giữ kabuki cổ điển truyền thống, tiếp tục trình diễn các vở nổi tiếng và xúc tiến đào tạo thế hệ trẻ. Tuy nhiên, họ cũng thể nghiệm các vở theo trào lưu shin kabuki (kabuki mới) của những nhà viết kịch hiện đại, những người đã tự do lồng vào kabuki nhiều yếu tố mà họ học được từ kịch phương Tây.

Sau thế chiến 2, kabuki vẫn được ưa chuộng. Các vở kịch vĩ đại của thời Edo cũng như nhiều vở kinh điển hiện đại được trình diễn tại nhà hát Kabukiza và nhà hát quốc gia ở Tokyo. Song, trừ Nhà hát quốc gia tiếp tục diễn trọn vở (thường dài khoảng 5 tiếng đồng hồ), các nhà hát kabuki cắt ngắn các vở kịch đi rất nhiều, nhất là ở Kabukiza (một rạp nổi tiếng tại khu Ginza ở Tokyo) thường chỉ là các hồi, các cảnh được ưa thích nhất, diễn cùng với một số vở kịch múa. Việc các nghệ sĩ kabuki tham gia diễn trong cả các thể loại kịch nghệ khác và việc phát kịch kabuki trên truyền hình cũng góp phần làm tăng mối quan tâm đến môn nghệ thuật truyền thống này.

Nhà hát kịch Kabuki Minamiza ở thành phố Kyoto


Không thể phủ nhận rằng cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản đã phần nào đẩy các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có kabuki, không còn được hâm mộ nồng nhiệt như trước kia. Nhưng tuy không nhiều, vẫn có những người say mê loại hình nghệ thuật này. Mỗi mùa diễn, họ đi xem tất cả các vở, ngồi trong rạp suốt 4-5 tiếng đồng hồ để ngây ngất với từng vai diễn, gặp gỡ nhau để bàn về các vở kịch, các nghệ sĩ tiếng tăm. Bản thân giới kabuki cũng cố gắng để tìm cách thu hút khán giả trẻ nhiều hơn.

Một trong những cố gắng này là “Super kabuki”, do diễn viên Ichikawa Ennosuke sáng tạo ra, lấy đề tài là những chuyện dễ gần đối với giới trẻ, áp dụng cách diễn xuất của kịch hiện đại. Bên cạnh đó, một yếu tố góp phần không nhỏ cho sự tồn tại của các rạp kabuki là khách du lịch. Để tiếp cận ngay với văn hóa truyền thống của Nhật Bản, nhiều du khách đăng ký những chuyến du lịch trọn gói có phần xem kịch kabuki. Không thể hiểu toàn bộ những gì diễn ra trên sân khấu, nhưng đối với họ chẳng hề gì, bởi phông cảnh, trang phục của diễn viên và âm nhạc đã nói lên tất cả.

Với những nét đặc biệt của mình, chắc chắn kabuki sẽ tiếp tục trường tồn cùng với thời gian.

Nguồn : Tổng hợp


0

các khám phá khác

image

6 bí mật làm nên những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh của bố mẹ Nhật Bản

Bố mẹ Việt hoàn toàn có thể áp dụng những cách này của bố mẹ Nhật Bản để giúp con khỏe mạnh, thông minh.

01
image

Cảm Nhận Văn Hóa Nhật Bản Qua Cách Đón Mừng Năm Mới (Phần 1)

Năm Mới (Shogatsu hay Oshogatsu) ở Nhật Bản thật thú vị. Đây được xem là một trong những lễ hội và kì nghỉ lễ quan trọng nhất…

00
image

Những điều du khách ngỡ ngàng khi đến Nhật Bản

Ở Nhật,nghỉ đêm tạig khách sạn con nhộng,ngủ gật trên các chuyến tàu rất phổ biến nhưng boa tiền, tự rót đồ uống cho mình lại không được khuyến khích.

10

Hotline: 0906 726 785

Ms.Vy: Skype

Ms.Nhut: Skype