Về cây phong và mùa thu
Ở Nhật, hai từ koyo và momiji (cùng cách viết kanji 紅葉: hồng diệp) đều được dùng để chỉ những tán lá chuyển màu trong mùa thu. Từ koyo còn có nghĩa chỉ hiện tượng thay đổi màu lá của cây, thường xảy ra trước khi cây rụng lá.
Ở một vài thời điểm, từ momiji sẽ đồng nghĩa với cây phong (楓: kaede), loài cây đẹp nhất trong số các cây mùa thu.
Tùy vào từng loại cây mà màu sắc của lá khi chuyển màu sẽ khác nhau. Lá cây mùa thu thường có ba màu: đỏ, vàng, và nâu. Mặc dù từ koyo dịch theo kanji có nghĩa là lá đỏ nhưng lại được dùng để chỉ tất cả các loại lá mùa thu, bất kể màu sắc.
Ở Nhật Bản, thường vào giữa tháng 9 ở Hokkaido – địa phương ở cực bắc nước Nhật – sẽ bắt đầu vào mùa chuyển màu lá đầu tiên, sau đó màu lá đỏ mới dịch chuyển dần đến các địa phương phía nam trong vòng khoảng 50 ngày. Sự thay đổi màu sắc lá diễn ra vào buổi sáng sớm, khi nhiệt độ khoảng 6,7 độ C. Mùa ngắm lá đỏ thường chỉ kéo dài từ 20 đến 25 ngày, và thay đổi theo từng năm.
Tán lá đỏ xen lẫn lá vàng
Tập quán ngắm lá đỏ của người Nhật
Càng vào thu, khi những tán cây trên núi hoặc ven đường đã thay màu áo đỏ, đó cũng là lúc người Nhật đi “ngắm lá đỏ”, một phong tục đã có từ rất lâu đời. Trong tập thơ Manyoshu (万葉集: vạn diệp tập) được xuất bản vào thế kỉ thứ 8 có đề cập đến cảnh ngắm lá đỏ trong “Truyện cổ Genji” nổi tiếng thời Heian (khoảng thế kỷ 8-11). Tục viết chữ koyo và momiji với cùng cách viết kanji cũng được bắt nguồn từ thời Heian.
Ngoài ra, một phần lớn trong tập thơ Kokin Wakashu (古今和歌集: cổ kim hòa ca tập – tập thơ nổi tiếng thời bấy giờ) được dành riêng chỉ để ngợi ca vẻ đẹp huyền ảo của màu đỏ mùa thu. Trong tiềm thức của người dân Nhật Bản, nếu như hoa anh đào nở báo hiệu mùa xuân về, thì màu đỏ của lá chính là biểu tượng muôn đời của mùa thu.
Ngày nay, người Nhật thường lái xe lên núi hoặc về những vùng quê để cắm trại và thưởng thức vẻ đẹp của lá đỏ.
Tán lá đỏ trong văn hóa Nhật Bản
Hình ảnh lá đỏ và con nai trong bài hoa Hanafuda
Nguồn dịch từ www.jreast.co.jp